iu mien

iu mien

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015


video iu mien - nguoi dao do

Lễ Cấp Sắc của người Dao

Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua Cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng, được cúng bái. Họ cũng quan niệm rằng có trải qua lễ Cấp sắc mới biết lễ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Nếu gạt bỏ những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì lễ Cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị.


Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11-19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức Cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ; người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Gần đến ngày lễ, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung... Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng... Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc: người Dao Đỏ và Dao Áo Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn. Mỗi lễ cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc; người thụ lễ, có khi cả vợ anh ta cũng phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Khác với nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền, người Dao Áo Dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.

Lễ Cấp sắc của người Dao nói riêng và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung là cái hồn riêng của mỗi dân tộc, cần phải được gìn giữ và phát huy. Đây được xem là nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo cho một nền văn hóa phát triển lâu dài và bền vững không chỉ ở vùng dân tộc miền núi Hà Giang mà của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Nguồn: dulichhagiang.vn

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

video iu mien in Ha Giang

https://www.youtube.com/playlist?list=PL09-12wTWyJxjmvo6X6iYsCYIkB98F1_m